Thứ Hai, 25 tháng 6, 2007

Haiku và Thơ Con Cóc

Trong số báo Đời Sống, số 11, đề ngày 07 Tháng Năm vừa qua, tôi có đọc thấy bài viết của Đỗ Minh Tuấn bàn luận về đề tài "thơ con cóc" với Nguyễn Hưng Quốc, đề tài hấp dẫn và lập luận của hai phê bình gia văn học, một trong nước, một hải ngoại cũng lý thú lắm. Nhất là vì bài đó có đề cập tới một bài thơ Haiku Nhật Bản nói về "con ếch", được dùng như một bài thơ tiêu biểu phản đề cho bài "con cóc" nên cầm lòng không đậu mà phải viết cho bạn đây.

Đỗ Minh Tuấn đem nàng thơ nói về "con ếch" Nhật Bản, để đối với bài thơ nói về "con cóc" của Việt Nam cũng là một ý kiến ngộ nghĩnh, và xét ra, khôn khéo trong chiến thuật: Bài thơ "con cóc" là một bài thơ không biết được sáng tác bởi ai (vô danh), được lưu truyền trong nhân gian, thể thơ không theo luật, vận gì cả, hoàn toàn tự do; từ xưa đến nay bị coi là dở, và còn được dùng để chỉ loại thơ dở. Trong khi bài thơ nói về "con ếch" là một bài thơ Haiku, của thi hào Nhật Bản là Bashò đã sáng tác, rất nổi danh trên thế giới\. So sánh như vậy là cố tình đem một mỹ nhân trong một bức tranh mộc bản của Nhật Bản đặt bên Thị Nở của Việt Nam.

Tuy vậy, mới thoáng trông, nàng "con cóc" có vẻ thiên về văn chương "bình dân" đơn giản, cục mịch, trong khi bài "con ếch" có vẻ thiên về văn chương "bác học", đẹp đẽ, cao siêu\. Nhưng nếu suy đến cùng, thì lại va vào sự giới hạn của định nghĩa: ranh giới giữa "bình dân" và "bác học", hay nói một cách khác, một bài thơ bình dân cũng có thể được hiểu theo tính bác học, chẳng hạn như Nguyễn Hưng Quốc đã khai triển tính "tư tưởng" của bài thơ "con cóc".

Rồi ra, cuộc tranh luận về "vẻ đẹp" của nàng thơ "con cóc" và bài thơ nói về "con ếch" dĩ nhiên còn tùy ở hai tay bút phê bình này, và người dự khán là độc giả bốn phương. Có thể cả hai bài thơ đều sẽ giựt giải hoa hậu "cóc-ếch" nhờ tài bình luận của hai cây bút trong văn đàn Việt Nam. Riêng tôi chỉ xin nhân dịp này, giới thiệu sơ về thể thơ Haiku Nhật Bản qua một số tài liệu của những người đã nghiên cứu về thể thơ này. Mong rằng như vậy sẽ giúp cho quý độc giả và bạn dễ tiêu cái vấn đề hóc búa này hơn.

Haiku là tiếng Nhật, nếu đọc đúng như tiếng Nhật thì cái tên này phải được đọc là "Hai Kư". Để tránh những hiểu lầm tai hại, nhiều người Việt đã đọc thẳng âm Hán Việt là "Hài Cú".

Thể thơ này bắt nguồn từ một thể thơ cổ của Nhật, vào khoảng thế kỷ thứ 6. Cho đến thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 16, thể thơ cổ này được biết dưới dạng Haikai no Renga (Liên Ca Bài Hài: có nghĩa là những bài thơ nối tiếp nhau có thể ca hay hát được, bài hay hài đều có nghĩa là có vần điệu để có thể hát hay ngâm. Do đó có người Việt còn gọi thể thơ này là "Bài Kú", cú là câu).

Những bài thơ thuộc thể "Liên Ca Bài Hài" này có bài dài, bài ngắn.

Bài dài được gọi là Chôka (trường ca), bài ngắn được gọi là Tanka (đoản ca). Nếu ta ví một cách "sơ khởi" và thiếu suy luận nghiêm túc nhưng để dễ hiểu thì ở nước ta có một thể thơ cũng để hát hay ca được, đó là thể "hát nói", mà vào thế kỷ 19 rất thịnh hành ở Việt Nam, với các thi sỹ nổi tiếng là Dương Khuê, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến...

Sự ví von tạm thời chỉ có thể ngừng ở đó, nếu không liều lĩnh mà cho rằng những bài "Liên Ca Bài Hài" này cũng giống như những bài hát nói của Việt Nam, ở chỗ đều có một phần thơ ngâm mở đầu.Trong thơ hát nói, các cụ gọi là "Mưỡu Đầu", làm theo thể lục bát. Trong thơ "Liên Ca Bài Hài", người Nhật gọi là Hokku (một lần nữa xin đọc là Hốc Kư, chứ không phải là Hốc Cu, âm Hán Việt là Phát Cú).

Phát Cú là những câu để bắt đầu\. Trong phần "Phát Cú", người Nhật có đoạn thơ 5 dòng (hay câu), mà cấu trúc trên số âm tự mỗi dòng là 5-7-5-7-7. Haiku là thể thơ được làm ra từ phần "Phát Cú" với 3 dòng 5-7-5. Dòng đầu 5 âm tự, dòng thứ hai 7 âm tự, dòng thứ ba 5 âm tự.

Toàn bài thơ Haiku "cổ truyền" chỉ có 17 âm tự tất cả. Xin mở ngoặc ở đây là tiếng Nhật là một tiếng đa âm. Thí dụ "Việt Nam" đọc theo tiếng Việt gồm hai đơn âm: âm "Việt" và âm "Nam", nhưng người Nhật đọc ra là 5 âm : Bi Ết Tô Nam Mư\. Nếu một câu thơ Haiku mà viết với hai chữ "Việt Nam", câu thơ này được viết với 5 âm tự, và như thế đã có thể là một dòng trong thể thơ Haiku Nhật Bản rồi.

Thơ Haiku được nổi danh vì chỉ với 17 âm tự mà tác giả đủ ghi lại được cảm xúc cao độ nhận thức ngay thực tại trước một sự kiện, trong một khoảng không gian và thời gian nhất định. Mặc dầu khi được sáng tác trong những ngôn ngữ khác (Việt, Anh, Pháp...), những bài thơ Haiku này không thể phát ra những âm như khi được ngâm bằng tiếng Nhật (thường tận cùng bằng những âm A, I, Ư, E, Ô), nhưng thể thơ cô đọng này vẫn được nhiều người ưa thích. Những thể thơ của các nước Á Đông khác như lục-bát (Việt Nam), Thất Ngôn Bát Cú (Trung Hoa)... không có được tính phổ quát thế giới này.

Đã viết là một bài thơ Haiku chỉ có 17 âm tự, gồm 3 dòng 5-7-5, chắc nay tôi phải nhấn mạnh rằng đó là thơ Haiku "căn bản, cổ truyền". Trên thực tế, cũng có bài thơ Haiku cổ truyền thoát ra khỏi lề luật, nhưng nói chung là sự phá lệ được coi là hiếm. Thơ Haiku có vần hay không? Câu trả lời là nếu có chăng nữa, thì lối gieo vần trong thể thơ này không thành lề luật nhất định, chúng ta thử đọc bài thơ nói về "con ếch" của Bashò (Matsu O Bashò: Tùng Vĩ Ba Tiêu, 1644-1694) bằng tiếng Nhật xem sao:

Furu ike ya
Kawazu tobi koma
Mizu no oto

Đại khái đọc là

Phưrư ikê ya
Cagoadư tôbi kôma
Midư nô ôtô

Tạm Dịch (không theo thể hài cú):

Cái ao cũ (An old pond)
Một con ếch nhảy vào (a frog jumps in)
Âm thanh của nước (Sound of water (Matsuyama)

Vần ở đây gieo giữa 3 dòng, và chữ cuối của dòng đầu vần với chữ cuối của dòng thứ hai\. Nhưngtrong một bài Haiku của một thi hào khác là Buson (Vu Thôn, 1716 - 1784):

Hashi nakute
Hikuren to suru
Haru no mizu

Đại khái đọc là

Hasi nakưtê
Hikưren tô sưrư
Harư nô midư

Tạm dịch (không theo thể hài cú):

Vì không có cầu
Ánh mặt trời mãi chiếu
Nước mùa xuân

Vần ở đây lại chỉ nằm trong hai câu 2 và 3. Do đó có thể nói là cách gieo vần trong thể thơ Haiku là không nhất định, chỉ dựa vào thanh âm gợi cảm trong tiếng Nhật mà thôi. Một bài thơ Haiku ngoài cấu trúc 3 dòng 17 âm tự, còn theo một vài lễ luật căn bản:
- Luật tinh tuyền: toàn bài thơ chỉ là một tâm trạng, không vay mượn, chắp vá những cảm xúc khác.
- Luật hiện tại: Khoảng khắc "hiện tại" đóng vai trò chủ thể trong thơ Haiku, có thể được ví như một tấm hình chụp một sự kiện trong khoảng khắc đó.
- Luật không gian, thời gian, sự kiện: xác định chỗ nào, khi nào, việc nào.

Những quy luật đó đã được những người dạy làm thơ Haiku bằng tiếng Anh tóm lại thành 4 điều:
1/ - 3 giòng ngắn (tôn trọng được 17 âm tự, 5-7-5 thì tốt, nếu không 15 âm tự thì vừa)
2/ - dùng 1 chữ nói về mùa (chẳng hạn hoa hướng dương chỉ mùa hạ, tuyết chỉ mùa Đông, lá úa chỉ mùa Thu...)
3/ - dùng 1 chữ diễn tả sự cắt một hành động (chẳng hạn chữ stop)
4/ - không vần, không dùng ẩn ý (no rhyme or metaphor).

Bài thơ sau đây của một cậu bé học lớp 6 trường tiểu học Nicole Canford (Canada) đã được tạp chí Haiku Japan Air Lines 1991 đánh giá là xuất sắc (với phần tạm dịch không theo thể hài cú):

Like a fresh spring breeze
The children on bicycles
Ride along the street

Như gió xuân tươi mát
Những đứa trẻ trên những xe đạp
Chạy dọc theo con đường

Bài này hay vì theo đúng luật tinh tuyền: tâm trạng tươi trẻ từ đầu đến cuối bài; luật hiện tại: những đứa trẻ đang đạp xe; và luật không gian, thời gian, sự kiện: trên con đường, mùa xuân, những đứa trẻ đạp xe.

Để chấm dứt lá thư kỳ này, tôi xin chép lại một nhận định đã được một người nghiên cứu thơ Haiku là Rodrigo de Siquira nêu ra là: "More than inspiration, it needs meditation, effort and mainly perception to compose a real Haiku" (Để sáng tác một bài thơ Haiku đúng nghĩa, cần sự suy tưởng sâu xa, sự cố gắng và sự nhận thức chủ thể hơn là nguồn cảm hứng).

Ngoài ra, trong lúc viết lá thư này, tôi đã dùng một số dữ kiện của Vi An, tác giả cuốn "Phù Tang Tạp Lục" do "Làng Văn" xuất bản vào năm 1994, trong đó có bài "Đôi nét đan thanh về hài cú" mà tôi xin giới thiệu với bạn, và quí độc giả để tìm đọc nếu muốn hiểu thêm về thể thơ trên. Còn với những điều cơ bản trình bày ở trên, tôi chỉ mong đóng góp cho cuộc bình luận về thơ nói về con ếch của Nhật, và thơ con cóc của Việt Nam trên diễn đàn văn học Việt Nam được thêm phần lý thú mà thôi.

Phạm Thế Định
St.

Không có nhận xét nào: